Lịch sử Tòa án Hiến pháp (Áo)

Tiền thân của Tòa án Hiến pháp được Franz Joseph I thành lập.

Đế quốc Áo-Hung

Tiền thân của Tòa án Hiến pháp là Tòa án Đế quốc do Hiến pháp tháng Mười Hai thành lập. Tòa án Đế quốc có nhiệm vụ phân định thẩm quyền giữa tòa án và chính quyền, giữa các địa phương và giữa địa phương với trung ương;[47] giải quyết yêu cầu trách nhiệm bồi thường nhà nước giữa các địa phương, giữa địa phương và trung ương và giữa cá nhân, pháp nhân với chính quyền;[48] xem xét khiếu nại của dân về việc bị xâm phạm quyền lợi. Tuy nhiên, Tòa án Đế quốc chỉ được tuyên bố chính quyền đã xâm phạm quyền lợi của dân mà không có quyền hủy bỏ quyết định đó.[49]

Tòa án Đế quốc không có quyền giám sát tính hợp hiến của luật.[50]

Ngoài ra, Hiến pháp tháng Mười Hai thành lập Tòa án Nhà nước, có nhiệm vụ truy cứu trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng nhằm kiểm soát quyền lực của hoàng đế. Theo Luật trách nhiệm bộ trưởng năm 1867, sắc lệnh của hoàng đế phải được bộ trưởng tiếp ký nên trách nhiệm thuộc về bộ trưởng đó, buộc bộ trưởng phải giám sát hoạt động của hoàng đế.[51] Hiến pháp tháng Mười Hai xác định lại rằng không được truy cứu trách nhiệm đối với hoàng đế, trách nhiệm hình sự thuộc về bộ trưởng đã tiếp ký văn bản vi phạm pháp luật.[52]

Cả hai tòa án tồn tại cho đến khi Đế quốc Áo-Hung sụp đổ vào năm 1918 tuy không có bộ trưởng nào bị đưa ra Tòa án Nhà nước xét xử.[53]

Đệ nhất Cộng hòa

Sau khi Đế quốc Áo-Hung tan rã thì chính phủ lâm thời của nhà nước Áo mới giải thể Tòa án Nhà nước, tạm thời giao lại nhiệm vụ, quyền hạn cho một ủy ban đặc biệt của Quốc hội lâm thời.[54] Tòa án Đế quốc được đổi tên thành Tòa án Hiến pháp và tiếp quản nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án Nhà nước cũ.[55][56] Chính phủ lâm thời quy định cho Tòa án Hiến pháp quyền hủy bỏ một quyết định hành chính vi hiến; trước đó Tòa án Hiến pháp chỉ được lưu ý tính vi hiến của một quyết định hành chính.[57]

Chính phủ lâm thời thành lập Tòa án Bầu cử (Wahlgerichtshof) với nhiệm vụ giải quyết khiếu nại về cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến sắp tới.[58]

Năm 1920, Quốc hội Lập hiến ban hành hiến pháp mới, chính thức quy định Tòa án Hiến pháp có quyền xem xét tính hợp hiến của luật và hủy bỏ luật vi hiến. Tòa án Bầu cử bị giải thể, nhiệm vụ, quyền hạn giao lại cho Tòa án Hiến pháp.[59] Cá nhân, pháp nhân chưa có quyền khiếu kiện luật lên Tòa án Hiến pháp và Tòa án Hiến pháp chưa được giám sát hiến pháp đối với điều ước quốc tế.[60]

Hiến pháp năm 1920 quy định chủ tịch, phó chủ tịch, một nửa số thẩm phán và một nửa số thành viên dự khuyết của Tòa án Hiến pháp do Hạ nghị viện bầu ra, Thượng nghị viện bầu ra nửa số thẩm phán, thành viên dự khuyết còn lại.[61] Không có quy định cấm thẩm phán kiêm nhiệm chức vụ khác hay yêu cầu thẩm phán phải có bằng cử nhân luật. Các đảng chính trị của Áo thỏa thuận với nhau phân chia số thẩm phán, thành viên Tòa án Hiến pháp ngay từ tháng 2 năm 1919, hơn 20 tháng trước khi hiến pháp bắt đầu có hiệu lực.[62]

Thời kỳ phát xít

Phong trào phát xít Áo Heimwehr chủ trương thay đổi chế độ chính trị của Áo theo hướng Phát xít Ý, độc tài Hung, mục tiêu là tập trung quyền hạn vào tay tổng thống và phân quyền từ trung ương về các tỉnh.[63][64] Từ năm 1929, phong trào Heimwehr đủ lớn mạnh để ép các đảng phái dân chủ thương lượng về cải cách hiến pháp.[65] Nhằm biện hộ cho việc tước quyền bổ nhiệm thành viên Tòa án Hiến pháp khỏi Nghị viện, giao lại cho tổng thống, phong trào Heimwehr lập luận rằng cần phải "phi chính trị hóa" Tòa án Hiến pháp.[66]

Phong trào Heimwehr và các đảng phái dân chủ sau cùng thỏa hiệp như sau:

  • chủ tịch, phó chủ tịch, sáu thẩm phán và ba thành viên dự khuyết do tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Chính phủ;
  • ba thẩm phán và hai thành viên dự khuyết do tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Hạ nghị viện;
  • hai thẩm phán và hai thành viên dự khuyết do tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của Thượng nghị viện
  • thẩm phán không được kiêm nhiệm nghị sĩ, chức vụ dân cử cấp cao khác, hoặc cán bộ đảng
  • thẩm phán do Chính phủ đề nghị bổ nhiệm phải có bằng cử nhân luật và đã hành nghề luật
  • ít nhất ba thẩm phán và hai thành viên dự khuyết không được sinh sống ở Viên.

Tất cả các thành viên của Tòa án Hiến pháp, kể cả Hans Kelsen là cha đẻ của Hiến pháp năm 1920, đều bị miễn nhiệm và thay thế.[67]

Từ đầu năm 1932, phong trào Heimwehr đã kiểm soát được Chính phủ nhưng các đảng phái đối lập trong Hạ nghị viện vẫn có thể gây sức ép với chính quyền.[68] Ngày 4 tháng 3 năm 1933, cả ba chủ tịch của Hạ nghị viện đều từ chức mà nội quy lại không dự liệu Hạ nghị viện được tiến hành công việc mà không có chủ tịch. Chính quyền phát xít bèn tuyên bố Hạ nghị viện đã "tự giải tán" và chỉ đạo cảnh sát ngăn các nghị sĩ nhóm họp lại.[69] Phe đối lập lập tức khiếu kiện lên Tòa án Hiến pháp nhưng chính quyền sử dụng quyền khẩn cấp quy định Tòa án Hiến pháp chỉ được họp nếu tất cả thành viên đều có mặt, rồi chỉ đạo những thẩm phán thân chính quyền từ chức.[70]

Hiến pháp phát xít năm 1934 hợp nhất Tòa án Hiến pháp và Tòa án Hành chính Tối cao thành Tòa án Liên bang. Về pháp lý thì Tòa án Liên bang duy trì quyền giám sát hiến pháp đối với luật, nghị định, văn bản pháp luật[71] nhưng thực tế là các thành viên đều do chính quyền bổ nhiệm[72] và chính quyền có thể tùy ý thông qua luật hiến pháp hủy bỏ quyết định của Tòa án Liên bang. Tòa án Liên bang tiếp tục hoạt động sau khi Áo bị sáp nhập vào Đức Quốc Xã từ năm 1938 cho đến năm 1945.[73]

Đệ nhị Cộng hòa

Sau khi Áo được giải phóng vào năm 1945, chính phủ lâm thời Đệ nhị Cộng hòa tái lập Tòa án Hiến pháp với quy chế bổ nhiệm từ năm 1929.[74] Hai Đảng Dân chủ Xã hội Áo và Đảng Nhân dân Áo nhanh chóng thỏa thuận với nhau về thành phần của Tòa án Hiến pháp.[75] Mỗi đảng cát cứ một số lượng thẩm phán riêng: thẩm phán theo Đảng Dân chủ Xã hội mà hưu trí thì sẽ bổ nhiệm thẩm phán khác theo Đảng Dân chủ Xã hội thay thế, tương tự đối với thẩm phán theo Đảng Nhân dân Áo. Tuy nhiên, lần này Tòa án Hiến pháp xét xử công bằng, độc lập với những quyết định mang tính thuyết phục cao, thường không can thiệp vào những vấn đề chính trị nhạy cảm.[76][77]

Thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp về sau được mở rộng. Năm 1958, Tòa án Hiến pháp được trao quyền giám sát bầu cử tỉnh, bầu cử địa phương.[78] Từ năm 1974, Tòa án Hiến pháp có quyền xem xét tính hợp hiến, tính hợp pháp của điều ước quốc tế.[79] Trong cùng năm, cá nhân, pháp nhân được trao quyền khiếu kiện luật, nghị định lên Tòa án Hiến pháp.[80]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tòa án Hiến pháp (Áo) https://en.wikipedia.org/wiki/File:Wien-Innere_Sta... https://en.wikipedia.org/wiki/File:VfGH-Pr%C3%A4si... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Gruppenfoto_VfG... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Consultation_ro... https://en.wikipedia.org/wiki/File:Franzjosef.jpg https://www.vfgh.gv.at/index.en.html https://archive.org/details/austriaoutofshad0000pe... https://diepresse.com/home/politik/innenpolitik/50... https://derstandard.at/1348285390471/Die-Verfassun... https://derstandard.at/1277338475613/Unabhaengige-...